Văn bằng 2 là gì? Tại sao nên học văn bằng 2

Văn bằng 2 là hệ đào tạo được nhiều người hiện nay lựa chọn khi mà họ đã có ít nhất một bằng đại học trước đó. Với mục đích là học thêm một ngành đào tạo khác để phù hợp nguyện vọng của mình, tạo cơ hội làm việc.

Hình thức đào tạo văn bằng 2 tuy đã được áp dụng từ lâu nhưng vẫn còn nhiều bạn chưa biết rõ văn bằng 2 là gì. Đặc biệt, là các bạn hay mơ hồ đối với những quy định trong việc đào tạo. Vậy thì chúng ta hãy tham khảo bài viết sau để nắm các thông tin cần thiết cho mình.

Văn bằng 2 là gì? Phân loại đối tượng

Văn bằng 2 là văn bằng đại học thứ hai được cấp dành cho các đối tượng có ít nhất một bằng đại học. Khi đáp ứng các điều kiện học văn bằng 2 do nhà trường quy định thì các bạn có thể theo học, sau khi hoàn thành sẽ được công nhận kết quả và cấp bằng. Việc học thêm văn bằng 2 là vấn đề cần thiết đối với những ai mong muốn bổ trợ thêm kiến thức ở các lĩnh vực mà mình yêu thích nhằm phục vụ nhu cầu công việc.

Trong việc đào tạo, đối tượng được miễn thi văn bằng 2 khi có bằng tốt nghiệp đại học chính quy tiếp tục đăng ký hệ không chính quy hoặc chính quy ở ngành đào tạo mới thuộc cùng nhóm ngành và tại trường mà mình đã tốt nghiệp. Bên cạnh đó, là tốt nghiệp đại học chính quy ở một số ngành thuộc nhóm khoa học tự nhiên, kỹ thuật và công nghệ sẽ được miễn thi khi đăng ký một số ngành khác hệ không chính quy theo quy định.

Đối tượng không được miễn thi sẽ phải tham gia vào kỳ thi phần kiến thức đại cương của ngành học thứ hai. Trong đó, Hiệu trưởng nơi đào tạo sẽ quy định nội dung, môn thi và hình thức thi để thông báo cho thí sinh.

Lưu ý: Đối với các đối tượng miễn thi nếu như số lượng dự tuyển vượt quá chỉ tiêu thì Hiệu trưởng sẽ đề ra nội dung, môn học và hình thức kiểm tra để tuyển đủ chỉ tiêu đề ra. Nếu đăng ký văn bằng 2 thuộc một số ngành đặc thù như: nghệ thuật, văn hóa, sư phạm, an ninh quốc phòng… thì Hiệu trưởng sẽ nêu cụ thể điều kiện đăng ký bao gồm môn thi, nội dung và hình thức thi.

Một số quy định về việc đào tạo văn bằng 2

Điều kiện học văn bằng 2: Là công dân Việt Nam, có ít nhất một bằng đại học, có sức khỏe để hoàn thành chương trình học, không bị truy cứu trách nhiệm hình sự, không trong thời gian thi hành án, đủ tiêu chuẩn tuyển sinh theo quy định, nộp hồ sơ đăng ký học đúng thời hạn.

Hình thức đào tạo: Áp dụng 2 hình thức đó là chính quy(học liên tục và tập trung tại trường), không chính quy(vừa học vừa làm; tự học, học từ xa) rất phù hợp với những người đi làm có ít thời gian.

Văn bằng: Sau khi kết thúc chương tình đào tạo tùy thuộc vào hình thức học tập sẽ được cấp bằng như sau: Bằng đại học hệ vừa học vừa làm(dành cho hệ vừa học vừa làm không chính quy), bằng đại học từ xa(dành cho hình thức tự học có hướng dẫn không chính quy), bằng đại học chính quy(dành cho hình thức đào tạo chính quy học liên tục tại trường).

Tất cả các hệ đào tạo đều phải thực hiện việc kiểm tra, thi và đánh giá năng lực theo quy định. Sau khi đáp ứng đủ điều kiện các bạn sẽ được cấp bằng và hình thức trên văn bằng sẽ ghi là văn bằng 2.

Có nên học văn bằng 2 hay không?

Việc học văn bằng 2 có những ưu điểm giúp người học tăng vốn kiến thức cho mình. Cụ thể là thời gian học tập linh hoạt, có thể lựa chọn hình thức đào tạo phù hợp, thời gian đào tạo ngắn từ 1,5 – 2 năm, vừa học vừa làm sẽ bổ sung kiến thức cho quá trình làm việc, tích lũy kinh nghiệm.

Nếu như văn bằng 1 không đúng với sở thích và nguyện vọng hoặc bạn chưa đủ tự tin thì hãy mạnh dạn đăng ký văn bằng 2 để theo đuổi đam mê của mình. Đồng thời, những kiến thức mới sẽ giúp ích cho công việc của bạn nhiều hơn. Tuy khác nhau về hình thức đào tạo nhưng giá trị bằng cấp ngang nhau và tương đương với văn bằng 1.

Sau khi tham khảo thông tin nêu trên, hi vọng các bạn đã hiểu văn bằng 2 là gì. Từ đó, có thể lên kế hoạch học tập và lựa chọn hình thức đào tạo phù hợp cho mình. Bất kể lựa chọn như thế nào thì việc học văn bằng 2 luôn mang lại lợi ích nhiều hơn.